Nói thật lúc mua mình không nghĩ đây lại là một cuốn tiểu thuyết, vì nghe tên cứ như tạp văn ý. Mình còn tưởng tượng ra cuốn sách này chắc sẽ nói về cuộc sống tấp nập nơi phố xá (hiểu biết thật nông cạn quá mà). Đến lúc cầm trên tay rồi mới giật mình phát hiện ra không những nó là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là nhật ký của một người lính ngụy viết vào những năm 54, 55. Cũng vì ngạc nhiên, nên mình tò mò, đọc tiếp phần giới thiệu, rồi cứ thế lôi cuốn, không dứt ra được, theo câu chuyện cuộc đời của anh lính ngụy cho đến cuối. Mình thấy phần giới thiệu của sách có nói đây là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh, nhưng lúc đọc thì thấy như một cuốn truyện trinh thám. Tò mò dõi theo từng hành động của nhân vật, rồi cũng đoán già đoán non xem ai là thủ phạm. Đến gần cuối bất ngờ vì thủ phạm không như mình đoán, mà cho đến cuối cùng cũng không hiểu ông ta có phải thủ phạm không nữa. Đọc truyện rồi mới thấm thía hơn về số phận, tình bạn, và tình yêu của những con người thời chiến. Xin trích ra đây một vài đoạn nhỏ phần giới thiệu và một vài câu nói trong sách (sở dĩ phải xin vì thấy trên sách có dòng cấm sao, chép trên mạng internet).
“Những ngã tư và những cột đèn có thể là một tiểu thuyết về chiến tranh, như lời thông báo của anh nhà văn hông tên, ở trang đầu cuốn sách? Những tình bạn, những tình yêu, đã đi qua chiến tranh, đi qua hòa bình, rồi lại rơi vào chiến tranh, có còn nguyên vẹn? Và những tính cách, thói quen con người, có thể nào không thay đổi cùng hoàn cảnh? Không một cảnh chiến tranh, nhưng hai chữ chiến tranh đi vào tiểu thuyết ngay từ trang môt và trôi theo nhật ký, như một ám ảnh,
cho đến trang cuối cùng.”
“Đời lắm ngã tư? Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận, kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận, không có nghĩa tính toán, chi ly, chi hoe mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư rồi hãy rẽ.”
“…người nói dối, cứ tiếp tục phải nói dối, đến hết đời. Nói dối, chính là một lối trừng phạt, của lương tâm.”
“Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nhóa đèn?”
Và cũng vì câu nói ở trang cuối của anh Dưỡng “…tôi không gặp lại ông Phúc nữa, tôi không biết có phải ông bị ép cung, nên phải nhận tội giết người.”, mà mình phải suy nghĩ lại về tính trung thực của anh cảnh sát trong truyện.
Ai chưa đọc thì mua đọc nhé, cẩn thận kẻo mua phải sách giả đấy^^. Thời buổi này chả tin được ai đâu, cái gì cũng phải kiểm tra kỹ nhé.