Bữa nay tự nhiên không có hứng kể chuyện tiếp nên mình chuyển qua chia sẻ kinh nghiệm đặt mua vé tàu hỏa online bên Ấn Độ vì mình thấy có lẽ rất nhiều người cũng tìm hiểu và thấy nó khá rắc rối, và mình cũng vật vã với mấy cái vé này nhiều lắm từ bước tạo tài khoản đến cả cái hôm mò hẳn ra ga tàu hỏa để tìm mua vé.
Tại sao mua vé tàu hỏa ở Ấn Độ lại rắc rối như vậy:
- Thứ nhất, vé tàu hỏa ở Ấn Độ luôn hết từ rất sớm, nên các bạn nhớ đặt trước 1 tháng nhé (họ mở hệ thống đặt vé online khoảng 1 tháng trước khi tàu chạy thì phải)
- Thứ hai, phải tạo tài khoản ở trang chính của hệ thống tàu hỏa ở Ấn Độ https://www.irctc.co.in/eticketing/loginHome.jsf, cơ mà cái trang này nó lại yêu cầu điền số điện thoại ở Ấn Độ để nhận mã OTP thì mới kích hoạt để sử dụng được. Cách đăng ký và làm như thếnào để kích hoạt được mà không cần dùng số điện thoại ở Ấn Độ mình sẽ nói ở dưới nhé.
- Thứ ba, sau khi kích hoạt được cũng không đặt được vé cơ, vì nó yêu cầu phải có tài khoản hay thẻ ngân hàng nội địa ở Ấn thì mới thanh toán được. Tuy nhiên có 1 trang web trung gian mà mọi người có thể sử dụng thẻ quốc tế để thanh toán. Và cái trang đấy cũng yêu cầu phải có tài khỏan ở trang IRCTC, họ mới cho mua.
- Thứ tư, hệ thống các toa tàu hỏa bên Ấn Độ cũng khá phức tạp nên bài này mình cũng chia sẻ với mọi người ý nghĩa các ký hiệu của các toa để mọi người dễ hiểu.
Để đăng ký tài khoản ở trang IRCTC các bạn vào trang https://www.irctc.co.in/eticketing/loginHome.jsf
- Sau đó click Sign Up nhé, rồi điền đầy đủ các thông tin, riêng phần số điện thoại, các bạn điền số điện thoại ở Việt Nam hay nước nào khác mà bạn đang sống nha. (Bình thường nó sẽ yêu cầu điền số ở Ấn để gửi mã OTP, mình có liên hệ với anh Shailendra mà giúp mình đặt vé tàu để hỏi anh số đt, tuy nhiên không sử dụng được vì mỗi số chỉ dùng cho 1 tài khoản mà thôi).
- Đăng ký xong, các bạn xác nhận cái email trước rồi gửi email về địa chỉ care@irctc.co.in với nội dung “I’m a foreigner. Please help to verify my account “hangocngan”… because I’m going to travel to India soon and want to buy train ticket online. Pls refer the copy of my passport in attachment”, nhớ gửi kèm với bản scan hộ chiếu nhé.
- Sau khi gửi email xong các bạn có thể lên twitter của họ ở https://twitter.com/IRCTC_Ltd để nhắc họ trả lời email (nhớ cung cấp ticket ID). Thường sau 2 tuần họ sẽ trả lời, nên các bạn chịu khó đăng ký sớm một chút để kịp đặt vé. Vé tàu bên Ấn Độ cứ phải đặt trước 1 tháng cho chắc ăn, đợt mình đặt trước 2 tuần mà không còn vé cơ đấy. Nhưng mà cũng đừng lo, ở các ga tàu hỏa đều để dành một ít vé cho khách du lịch nước ngoài mua, nhưng khách du lịch bển cũng không có ít, nên mình cứ đặt trước cho chắc ăn vì những vé tàu nằm hạng 3A, 2A hay 1A cho đường dài luôn được mọi người đặt rất sớm.
- Đây là email mình nhận được sau 2 tuần gửi email yêu cầu kích hoạt tài khoản:
À, mà các bạn nhớ lưu ý là hệ thống đặt vé từ 9:30 AM đến 11:30AM (giờ Ấn Độ) sẽ không hoạt động nhé, nên trong khoảng đấy các bạn sẽ không đặt vé hay đăng ký tài khoản được
Bạn nào không đăng ký được thì email cho mình nhé, mình cho bạn mượn tài khoản dùng.
Tiếp đấy, để đặt vé tàu bạn vào trang này: https://www.cleartrip.com
- Nhớ là 1 tài khoản IRCTC chỉ mua được tối đa là 6 vé/ tháng thôi nhé, nếu bạn đi nhiều người thì đăng ký 2 tài khoản cho chắc ăn.
- Sau khi tạo tài khoản và đăng nhập vào Cleartrip, bạn chọn tìm kiếm lịch tàu hỏa chạy ở Ấn Độ để đặt vé:
- Các bạn bấm vào check availability nhé, sau đó nó sẽ hiện ra một bảng thông báo yêu cầu điền username IRCTC vào để kết nối
- Tuy nhiên, như hình dưới đây hiển thị Waitlist là đã hết vé rồi, mình phải chọn giờ khác
- Mãi thì cũng có 1 cái còn available seat cho giường nằm hạng AC 3, nhưng cái này có vẻ ko đi về Delhi, tuy nhiên mình cứ làm thử để các bạn thấy ha.
- Click vào Book, điền đầy đủ thông tin và thanh toán bằng thẻ Visa/Master card thôi. Các bạn có thể cancel nếu lịch di chuyển thay đổi nhé, sẽ bị trừ 1 ít phí nhưng không đáng kể, như bữa mình ở bên Ấn Độ do một số vấn đề phát sinh nên phải cancel, bị trừ khoảng vài trăm rupees thì phải, vé mình mua 2 người giường nằm AC 3 từ Varanasi về Delhi hơn 2000 rupees thì trừ phí còn có 1950 rupee thôi.
Phần thứ 2 của bài Kinh nghiệm đặt mua vé tàu hỏa online bên Ấn Độ là ý nghĩa các hạng ghế và trạng thái ghế của tàu hỏa bên Ấn Độ nhé.
- Đầu tiên là 3 hạng giường nằm dưới đây, với 3 hạng giường nằm này nghĩa là các bạn sẽ được ngủ trong toa có máy lạnh, có kèm đồ ăn tùy khoảng thời gian dài ngắn. Hạng 1A với 2A thì có khóa cửa ở cái phòng có giường bạn ngủ, nhưng cũng không quan trọng lắm vì mình toàn để tiền trong người, còn balo lấy kê đầu ngủ, ai mà lấy được tiền của tui haha.
AC First Class (1A)
AC 2 Tier (2A)
AC 3 Tier (3A)
- Tiếp theo là SL (Sleeper), giường nằm không máy lạnh, nhưng mà kinh nghiệm thì có quạt, mát phết hehe.
- Mình thuộc dạng cheap traveler nên là đi 3 chuyến tàu bên đó toàn đặt loại rẻ nhất là 2S haha, cái loại này ngộ lắm, vd như cái chuyến từ Delhi đến Jaipur của mình cũng cho số giường đàng hoàng, mình toàn đặt giường tầng cao nhất. 2S có nghĩa là seater nhé, thế mà mình được hẳn cái giường, nhưng khổ cái nằm được 1 lúc khi tàu đến các trạm tiếp theo thì người ta bắt đầu lên tàu rồi leo lên tận tầng 3 ngồi cạnh mình, cũng may mình nằm tầng 3 nên mọi người ngại leo lên haha, chứ tầng 1 là 4 người ngồi 1 giường rồi. Dưới đây là hình hôm mình đi từ Delhi đến Jaipur nhé:
Tuy nhiên cái 2S mà mình mua từ Jaipur đến Ajmer lại là dạng ghế ngồi, không máy lạnh. Cái này mình sẽ update video sau nhé, bận quá chưa upload lên được để gửi các bạn xem.
Các bạn nhớ tới sớm 1 chút để tìm tàu và toa lên cho đúng nhé, thường tới ga tàu hỏa sẽ có bảng thông báo điện tử thông báo tàu của bạn nằm ở platform nào, chạy ra đó rồi còn phải tìm cho đúng toa tàu leo lên, kinh nghiệm là nếu gần đến giờ thì cứ leo đại lên một toa đi, tàu chạy rồi đi xuống từ từ thông qua các toa, chứ đừng đứng lớ ngớ ở dưới, tàu nó chạy mất là xong. Mới cả cứ hỏi mấy chú bảo vệ ở chỗ ga tàu nhé, hỏi người Ấn họ cũng không biết đâu, mình đưa cả vé cho họ coi mà họ tưởng người nước ngoài là mặc định mua vé AC 3, nên cứ chỉ mình lên trên đó, xong đi xuống lại, mệt muốn chết. Mà đi đến lần thứ 3 thì mình đã tự tìm ra được toa tàu để lên haha.
Tiếp đến là ý nghĩa của Available và Waitlist(số),
- Available thì khỏi bàn rồi nhé, cái này nghĩa là ghế/ giường còn trống, các bạn cứ mua vé thôi
- Còn Waitlist(số) nghĩa là người ta đã mua hết vé, con số bên cạnh là số thứ tự chờ của bạn. Bạn phải chờ xem có ai cancel cái vé đó không thì bên hãng tàu hỏa mới confirm cái vé của bạn. Cái này hơi khó, nên không có ghế available thì cứ linh đông mua xe buýt mà đi nhé.
Sắp tới mình sẽ chia sẻ với các bạn thêm một bài nữa về kinh nghiệm đi xe buýt nội địa/ hay cách đặt vé xe buýt online ở Ấn Độ nhé, để tránh trường hợp đặt online xong đứng chờ vật vã mà cái xe buýt không tới như mình cùng các bạn nước ngoài hôm nọ huhu.
Hy vọng bài Kinh nghiệm đặt mua vé tàu hỏa online bên Ấn Độ sẽ giúp ích nhiều cho các bạn trong việc chuẩn bị cho chuyến du lịch đến Ấn Độ nhé.